§§§ Chuỗi workshop chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu Khoa Quản trị – UEH §§§
Chủ đề tháng 7: “Sử dụng phương pháp Bibliometrics để hệ thống hóa cơ sở lý thuyết và phát hiện hướng nghiên cứu mới”
TS.Cao Quốc Việt – Bộ môn Phương pháp nghiên cứu – Khoa Quản trị
————————————————————————————
Sáng ngày 16/7/2020, bộ môn Phương pháp nghiên cứu – Khoa Quản trị – Trường Đại học Kinh tế TpHCM đã tổ chức buổi Workshop chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu với chủ đề “Sử dụng phương pháp Bibliometrics để hệ thống hóa cơ sở lý thuyết và phát hiện hướng nghiên cứu mới” tại Phòng B1 – 205 tòa nhà B1 – Nguyễn Tri Phương. Khoảng 60 giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ, học viên cao học đến từ Khoa Quản trị, các khoa Kinh doanh quốc tế, Viện Du lịch… và các nghiên cứu viên từ Trường Đại học Huflit, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thủ Dầu Một… đã tham dự buổi Workshop này.
Đây là buổi chia sẻ thứ hai nằm trong chuỗi chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu từ lý thuyết khoa học quản trị đến thực hành các công cụ nghiên cứu dành cho các giảng viên, các nghiên cứu sinh và học viên cao học. Chủ đề được trình bày bởi nhóm nghiên cứu do PGS.TS Phạm Xuân Lan, TS. Lê Nhật Hạnh và nghiên cứu sinh Phan Tấn Lực phụ trách.
Mở đầu, TS. Ngô Quang Huân – Trưởng Khoa Quản trị đã giới thiệu với người tham gia về kế hoạch, vai trò và ý nghĩa của chuỗi workshop chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu. Đây là hoạt động cốt lõi nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của Khoa đáp ứng tầm nhìn, sứ mạng của UEH trong tương lai. Các buổi trình bày cũng là cơ hội để các giảng viên, nhà nghiên cứu, học viên của Khoa trao đổi những kiến thức vừa cập nhật, chia sẻ những kỹ năng quan trọng trong quá trình thực hiện và công bố bài báo quốc tế. Các buổi trình bày sẽ diễn ra theo định kỳ hàng tháng.
Hình 1: TS. Ngô Quang Huân khai mạc buổi workshop
PGS.TS Phạm Xuân Lan và TS Lê Nhật Hạnh đã tổng kết những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tổng quan lý thuyết với phương pháp Bibliometrics và những thành công qua những bài báo ISI, Scopus mà nhóm nghiên cứu đã công bố khi sử dụng phương pháp này.
Hình 2: PGS.TS Phạm Xuân Lan tổng kết và chia sẻ những kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu
Bibliometrics (tạm dịch – trắc lượng thư mục) là phương pháp sử dụng các kỹ thuật thống kê để phân tích và mô tả các thuộc tính của các tài liệu khoa học đã công bố. Thuật ngữ ‘bibliometrics’ được Pritchard (1969) giới thiệu lần đầu tiên khi ứng dụng các phương pháp toán học và thống kê vào các loại tài liệu khác nhau. Với một chủ đề xác định, nhà nghiên cứu sẽ dùng phương pháp trắc lượng thư mục để biết có bao nhiêu tạp chí đăng bài chủ đề này, tên cụ thể của nó là gì, các tác giả công bố là ai. Ngoài ra, phần mềm VOSviewer sẽ giúp nhà nghiên cứu biết được nội dung chính của các tóm tắt, các từ khóa và danh mục tài liệu tham khảo (xem hình 3)
Hình 3: Các thuộc tính được thống kê trong một bài báo khoa học
Nguồn: bài trình bày của NCS Phan Tấn Lực
Với Bibliometrics và kết hợp một số các công cụ khác, nhà nghiên cứu có thể phát hiện các cụm chủ đề đang được cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực quan tâm từ đó có thể dự báo các khe hỏng nghiên cứu. NCS Phan Tấn Lực cho biết, phương pháp Bibliometrics khi dùng phối hợp với phần mềm VOSviewer có thể phân tích được số lượng lớn các nghiên cứu, giúp nhà nghiên cứu định hướng nhanh được các danh mục nghiên cứu trong chủ đề và có thể kết hợp các kỹ thuật khác nhau.
Editor: PhD. Son Tran